Với công tác đầu tư tại Phú Quốc, cần nỗ lực thu hút nhà đầu tư lớn, đúng nghĩa là giàu kinh nghiệm, có thực lực tài chính, có lợi ích đầu tư lâu dài ở Phú Quốc. Tránh các nhà đầu tư cơ hội đến Phú Quốc chỉ để trục lợi ngắn hạn. Làm sao không để giá đất lên quá cao, chi phí hạ tầng đội lên nhanh chóng.
Đó là nội dung yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Kiên Giang tại huyện đảo Phú Quốc.
Tỉnh Kiên Giang có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, tập trung thành 5 quần đảo với đảo Phú Quốc – hòn đảo lớn nhất Việt Nam, hòn đảo ngọc rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng.
Nhất trí với đánh giá Kiên Giang như một Việt Nam thu nhỏ, Thủ tướng cho rằng Kiên Giang có vị thế rất quan trọng đặc biệt quan trọng đối với đồng bằng sống Cửu Long không những về mặt kinh tế, quốc phòng, an ninh mà cả đối ngoại.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận Kiên Giang còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đây là một trong những địa phương chịu tác động bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trực tiếp là hạn hán, xâm nhập mặn. Ngoài ra, cũng cần khắc phục sớm một số tình trạng tại Phú Quốc như: khai thác cát, bán cát cho nước ngoài, tình trạng phá rừng, vệ sinh môi trường.
Thu ngân sách tăng trưởng cao, đứng thứ 3 trong 13 địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng Kiên Giang chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu chi, còn lại vẫn cần nhận trợ cấp từ Trung ương, Thủ tướng mong muốn cuối nhiệm kỳ này, Kiên Giang phấn đấu tự trang trải được ngân sách.
Đất Phú Quốc 2018 nhận được sự quan tâm liên tục để phát triển thành khu hành chính-kinh tế trong nhiều thời kỳ. Chính phủ đã 4 lần họp bàn trong những tháng vừa qua và đã chính thức trình Bộ Chính trị về mô hình phát triển ở Phú Quốc và Bộ Chính trị đã chấp thuận chủ trương và hiện chúng ta đang xây dựng luật pháp triển khai.
Như vậy, đối với cả nước và với Kiên Giang, Phú Quốc đi trước một bước về phát triển, là ngọn cờ đi đầu trong phát triển về mô hình mới ở Việt Nam, là mô hình đi trước của 3 khu hành chính kinh tế đặc biệt.
Đối với tầm nhìn xa cho Kiên Giang, Thủ tướng gợi mở, trong tương lai gần, phải phấn đấu thành tỉnh đổi mới, giàu có toàn diện dựa trên lợi thế so sánh tự nhiên, được dẫn dắt bởi những mô thức đột phá về thể chế chính sách năng động và ứng dụng công nghệ trong phát triển dịch vụ du lịch, nông nghiệp, kinh tế biển và công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế biến.
Thủ tướng yêu cầu: “Phải gắn kinh tế biển với tầm nhìn mới về chuyển dịch cơ cấu kinh tế Kiên Giang. Nông nghiệp, kể cả thủy sản là thế mạnh phát triển, trong đó động lực trung tâm của sự phát triển bứt phá là mô hình hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc“.
Thủ tướng cũng cho rằng phải phấn đấu xây dựng Phú Quốc với tên gọi là đảo ngọc, thành viên ngọc lớn, viên ngọc quý, trù phú và thịnh vượng, là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo, đẳng cấp quốc tế.
Chỉ kém Singapore hơn 100km2, với Phú Quốc Thủ tướng đặt vấn đề: “Chúng ta có ước mơ phát triển ở Phú Quốc này một cái gì ấn tượng với Việt Nam, với toàn cầu hay không”? Do đó, phải chọn những ý tưởng tinh túy vào đảo ngọc này nên không được cấp đất cho các nhà đầu tư có ý tưởng ngắn hạn trong phát triển Phú Quốc.
“Một hạt ngọc lớn còn tốt hơn là 10 hạt ngọc quá nhỏ cộng lại”, Thủ tướng nói và đề nghị phát triển Phú Quốc không thể đơn điệu chỉ là du lịch, vui chơi giải trí. Tuy nhiên nếu trải ra quá nhiều lĩnh vực thì khó phát triển. Vì vậy, trong mô hình phát triển, cần chọn một số lĩnh vực, trước hết là một trung tâm du lịch, vui chơi giải trí nổi tiếng.
Block "footer-blog-details" not found